TÌNH HUỐNG DỞ KHÓC DỞ CƯỜI
Thám tử Vũ cho biết, đây là một vụ tìm lại người chồng bỏ nhà đi 10 ngày qua theo yêu cầu của người vợ. Khách hàng không biết gì nhiều về các mối quan hệ của chồng mình. Vũ giải thích, phải mất cả tuần sàng lọc, họ mới tìm được “mắt xích” để lần manh mối là một người bạn của người mất tích.
Đúng 8 giờ sáng, con ngõ nằm trên đường Đại La dẫn vào nhà “con mồi” đã được các thám tử “bủa vây”. Mọi hành động của đối tượng khi ra khỏi nhà đều được bí mật quay phim, chụp ảnh. Đường Hà Nội đầu giờ sáng chen chúc xe cộ, nên Vũ phải chen lấn để bám sát. Lạ hơn, Vũ luôn điều khiển xe mình cách xe của đối tượng bằng “hàng rào” là một chiếc xe ô tô con, hoặc 1, 2 chiếc xe máy khác. “Giữ khoảng cách như vậy để người bị theo dõi không biết rằng mình “có đuôi”, mà vẫn đảm bảo mình không bị mất dấu”, Vũ giải thích.
Đến một ngã tư, đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, đối tượng bất ngờ tăng tốc độ. Vũ vặn ga phóng theo sau. “Hú hồn vì hôm nay ở ngã tư này không có có cảnh sát giao thông, nếu không thì có khi vừa bị mất dấu, lại còn bị phạt”, Vũ cười.
Đi tiếp qua khoảng ba con phố nữa, dường như người bị theo dõi linh cảm thấy có điều bất thường nên rẽ vào một con ngõ. Vũ vẫn bám theo và bất ngờ: ngõ cụt. Người thanh niên dừng xe, quay đầu lại hằm hè nét mặt nhìn chúng tôi nghi ngờ. Nhanh trí, Vũ dừng xe ngay trước một căn nhà đang đóng cửa, vờ nhấn vào nút chuông cửa và “đóng kịch” gọi cửa nhà người quen. “Con mồi” hết nghi ngờ liền leo lên xe chạy ngược lại ra đầu ngõ mà không biết rằng ở đó, một thám tử “sơ – cua” khác bọc hậu cho chúng tôi đã đứng đợi sẵn, tiếp tục làm “cái đuôi” của anh ta.
Qua ba lần thay người theo dõi, một tiếng sau đó đối tượng cũng đã đến đích là một quán bar trên đường Trường Chinh. Người vào quan sát báo cáo: “Một người có nhận dạng giống với người bị mất tích hiện đang say mèm trong quán”. Không khó để các thám tử xác định được nguyên nhân của việc người chồng bỏ nhà ra đi là do thời gian trước đây anh ta đã quan hệ với gái bán hoa nên nhiễm virus HIV. Anh ta bỏ nhà đi vì không muốn liên lụy đến vợ con.
Trần Thị Hằng là nữ thám tử duy nhất, cũng là người có thâm niên làm việc lâu nhất tạicông ty thám tử 247. Hằng kể lại, chị vốn mê đọc truyện trinh thám từ nhỏ nên mơ ước phiêu lưu đã có từ ngày bé. Ngay từ lúc còn là sinh viên ngành công nghệ thông tin, Hằng đã giấu gia đình để đi tập nghề ngoài giờ. Tốt nghiệp đại học, Hằng không đi làm công việc theo chuyên ngành của mình, mà xin làm thám tử.
Hằng nhớ mãi kỷ niệm về “phi vụ” mình thực hiện lần đầu. Nhận nhiệm vụ phải theo dõi một người phụ nữ xem cô này có cặp bồ hay không, Hằng phát hiện đối tượng đi cùng một người đàn ông chui tọt vào trong nhà nghỉ. Cô bám theo, đóng vai làm người thuê phòng đợi bạn tình đến, để gọi khách hàng tới bắt quả tang vợ mình đang “trai trên gái dưới”. Thế nhưng khi người chồng đạp cửa phòng xông vào bắt quả tang, người vợ lại lu loa cho rằng: “Anh biết tôi “ăn chả” nên anh cũng “ăn nem”, anh cũng đi nhà nghỉ với con này (chỉ Hằng) và tình cờ gặp tôi tại đây chứ gì”. Trước tình huống này, Hằng phải gọi điện về công ty, yêu cầu đồng nghiệp đến hỗ trợ và mang theo bản hợp đồng dịch vụ mà ông chồng đã ký, để chứng minh mình là thám tử, chứ không phải là bồ nhí hay gái điếm như đối tượng vu oan.
Hằng cho biết, trước khi vào nghề, họ được đào tạo nghiệp vụ ba tháng, gồm các kỹ năng như lái xe máy, hóa trang, nghiệp vụ điều tra, tâm lý và khả năng ứng phó với các tình huống khi bị đối tượng phát hiện, cách sử dụng các thiết bị công nghệ theo dõi. Võ thuật cũng là một yêu cầu bắt buộc phải có.
Hằng cho biết, các thám tử phải có tác phong nhanh gọn, tính toán từng chi tiết khi đi làm việc như luôn để xe quay đầu ra ngoài đường, ngồi ở vị trí trong góc quán để có thể chủ động quan sát và kịp thời bám theo đối tượng. “Thậm chí khi ngồi uống nước, tôi cũng phải trả tiền trước để đề phòng khi đối tượng bất ngờ bỏ đi mình vẫn có thể theo kịp”, Hằng nói.
Học Cách Làm Thám Tử Chuyên Nghiệp 5+ Cách Suy Luận Chuẩn Nhất
NGHỀ “CHUI” CHÂN CHÍNH
Nhận xét về nghề thám tử tư ở Việt Nam, thám tử Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty Điều tra và Bảo vệ V nói, họ đang phải hoạt động trong tình thế “tranh tối, tranh sáng”, lách luật để tồn tại.
Thực tế, cơ quan chức năng không “mặn mà” với sự xuất hiện của loại hình dịch vụ mới này. Hoạt động kinh doanh dịch vụ điều tra được đánh giá là không phù hợp với quy định của pháp luật, có thể bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động với động cơ không lành mạnh, xâm hại đến quyền và lợi ích của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Giữa năm 2000, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) có văn bản gửi Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố thể hiện rõ quan điểm: dịch vụ hoạt động bảo vệ, tổ chức điều tra là một loại hình dịch vụ có liên quan đến công tác đảm bảo anh ninh quốc gia và trật tự xã hội; liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan điều tra được pháp luật Việt Nam quy định. Vì vậy, chủ trương của Bộ Công an với loại hình dịch vụ này là “không cho phép liên doanh, liên kết với nước ngoài, hoặc tổ chức cá nhân nước ngoài hoạt động dịch vụ này ở Việt Nam; không cho phép các công ty tư nhân mở dịch vụ bảo vệ”.
Ông Vinh kể, sau công văn nói trên, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội nhiều lần có công văn yêu cầu ông “tạm dừng kinh doanh hoạt động điều tra cho đến khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”; yêu cầu “đổi tên công ty” đồng thời “rút ngành nghề dịch vụ điều tra” và nhiều lần gửi giấy mời tới họp bàn về chuyện này.
Bản thân công ty này hai lần xin mở chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không nhận được phản hồi từ cơ quan đăng ký kinh doanh, nói cách khác là “lờ đi, không trả lời”.
Đến đầu năm 2006, sự việc căng thẳng nhất là cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông báo về việc công ty ông “kinh doanh ngành nghề thám tử không đủ điều kiện và ngành nghề bị cấm”. Thông báo này yêu cầu công ty trong thời hạn 60 ngày phải ngừng dịch vụ điều tra…
“Tôi gửi một công văn cho Sở. Sau đó, họ gửi một công văn nói đang xin ý kiến của trên và chờ trả lời. Tiếp nữa thì im lặng tới giờ…”
Ông Vinh cho hay, hiện các công ty thám tử không được đăng ký dịch vụ điều tra mà phải “lách” bằng cách đăng ký danh mục ngành nghề kinh doanh là tìm hiểu thông tin, sau đó, họ hoạt động và quảng cáo hoạt động thám tử tư.
Ông Vinh thừa nhận, “hoạt động phải tránh né thì tính chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế”. Nói đơn giản như chuyện ký hợp đồng với khách hàng, các công ty thám tử tư cũng lúng túng, nhất là trường hợp khách hàng là doanh nghiệp. “Nếu ký hợp đồng là điều tra cái này cái nọ, chúng tôi sẽ bị các cơ quan chức năng “xử lý”. Nhưng ký với danh nghĩa khác thì khách hàng sẽ không tin tưởng, và khi có tranh chấp thì sẽ rất khó giải quyết”, ông Vinh nói.
Hậu quả nghiêm trọng hơn là khi hoạt động trong bối cảnh trên thì bản thân các công ty, các thám tử cũng dễ này sinh tư tưởng “tạm bợ”, nảy sinh tâm lý làm ăn theo kiểu “chụp giật”. Một thám tử trong nghề “không muốn nêu tên” thừa nhận, “có khi phải chấp nhận làm cả những việc không thuộc lĩnh vực này, kể cả hơi nhem nhuốc, không đúng luật, để tồn tại”.
Còn ông Vinh thì đưa ra nhận định, “đa số các công ty thám tử tư hiện nay hoạt động không nghiêm túc”. “Một biểu hiện phổ biến ở Việt Nam là nói vống lên. Còn đang hạn chế, ngô nghê, sơ khai nhưng lại quảng cáo là mở văn phòng nước ngoài, có những thám tử chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản…”, ông Vinh than.
Đã có vài nhân viên trong công ty của ông Vinh phải vào đồn công an vì: “Có một số người tôi nghi ngờ, hoặc mới đến thử việc, tôi cho làm vài việc lặt vặt thôi mà cũng đã bắt đầu “nghe hơi bắc nồi chõ”. Biết một số việc công ty đang làm, thế là đến định bán tin tức cho đối tượng, bị đối tượng báo công an “tóm cổ” luôn”, ông Vinh nói.
ĐỊA CHỈ: CÔNG TY DỊCH VỤ THÁM TỬ 247
- Trụ sở chính Hà Nội: Số 18 Lô 10A Trung Yên 10 – Trung Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội
- Chi nhánh vp Hà Nội: Tòa nhà Việt Á – Số 9 – Duy Tân – Cầu Giấy – Hà Nội
- Chi nhánh vp TP Hồ Chí Minh: 132-134 Điện Biên Phủ, P Đa Kao, Quận 1, HCM.
- Hotline 24/7: 0962.789.247
- Email: Thamtu247@gmail.com